Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Bạn có thể tìm hiểu lịch sử bóng đá đất Cảng, những bài viết phân tích, bình luận không chỉ XMHP mà tất cả những đội bóng TP Hoa Phượng Đỏ từng thi đấu tại Việt Nam. Box này đồng thời cũng là nơi bạn có thể đưa ra những nhận định về mọi khía cạnh trong bóng đá Hải Phòng nói chung.

Các điều hành viên: knv, sonha16cbhp

Nội quy chuyên mục
Để đảm bảo chất lượng bài viết cho chuyên mục, yêu cầu các thành viên hãy suy nghĩ kỹ trước khi post bài tại các topic trong chuyên mục này, không comment vu vơ làm hỏng chủ đề, những comment spam hoặc vi phạm nội quy diễn đàn sẽ bị xóa mà không cần thông báo.
Hình đại diện của thành viên
Tung_Alonso
Super Moderator
Super Moderator
Bài viết: 5008
Ngày tham gia: 23 Tháng 11 2009, 21:51

Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by Tung_Alonso »

Bóng đá Hải Phòng: Cánh Phượng tàn... (phần 1)

- Đã có thời, Hải Phòng là một trong những trung tâm bóng đá lớn của cả nước, nơi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá và đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển Quốc gia. Nhưng trong bối cảnh mới, bóng đá đất Cảng đã rệu rã. Đại biểu duy nhất của họ tại V.League 2004 đã may mắn “thoát chết” ở vòng đấu cuối cùng và trụ hạng, nhiều người hả hê với “chiến tích” này nhưng số khác lại cho đó là một sự “sỉ nhục”.
“Vinh quang” và “thất vọng” đôi khi chỉ là một hành lang mong manh trong cách nghĩ. Chúng ta hãy cùng hành trình với bóng đá Hải Phòng để hiểu hơn về điều này.

Quá khứ huy hoàng và một người thầy khả kính

Ba chức vô địch liên tiếp Giải hạng A (miền bắc) các năm 1964, 1965, 1966 (Cảng HP); Huy chương đồng giải A1 (đầu tiên) năm 1983 (Cảng HP), Huy chương bạc A1 1993, 1994 (CA.HP), 2 Cup QG (1990-Điện HP; 1995-CA.HP), đó là những gì bóng đá Hải Phòng đạt được cho tới nay, chưa thật “huy hoàng” nhưng cũng đủ để người ta vị nể.
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bóng đá Hải Phòng là một thế lực, khi họ có tới 5 đại diện ở giải đấu cao nhất (Giải hạng A): Cảng HP; C.A Hải Phòng; Điện Hải Phòng; Xi măng Hải Phòng và Sông Cấm. Sự hiện diện đông đảo của các đội bóng đã tạo nên một sự “áp chế” (chiếm gần 1/4 số đội tham gia) và có lúc là một “đối trọng” đáng kể với Thể Công. Lối đá chung của các đội bóng Hải Phòng là máu lửa, tinh quái và nhiều tiểu xảo, cộng với một lực lượng CĐV đông đảo, nhiệt huyết đến thái quá.
Lối đá này và phong cách của CĐV nơi đây phần nào thể hiện tính cách người Hải Phòng. Hải Phòng là đầu mối giao lưu kinh tế với cả nước và nước ngoài qua đường biển. Điều này mang lại cho Hải Phòng nhiều lợi thế và cả sự phức tạp hơn so với nơi khác. Người dân nơi đây mang trên mình những mối giao thoa đa chiều; phức hợp hơn trong cách suy nghĩ, cộng với những đặc thù nghề nghiệp (trước đây) (đánh bắt hải sản, buôn bán nhỏ, đánh hàng intershop, buôn hàng second-hand, đi tàu viễn dương…) đã tạo nên một cá tính đặc biệt. Họ rất nhiệt tình; hiếu khách nhưng cũng rất tự tôn; ngang ngạnh và liều lĩnh.
Một điều dễ nhận thấy, người Hải Phòng rất giỏi trong giải quyết tình huống, nhưng hạn chế trong việc lập kế hoạch. Đó là lý do các đội bóng rất ngán ngẩm khi gặp các đội bóng Hải Phòng, kể cả Thể Công. Người ta vẫn nhớ mãi trận đấu giữa tuyển Hải Phòng và Thể Công năm 1973 (HP thắng 1-0). Tuyển Hải Phòng khi đó dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Trọng Lộ (CA.HP) đã đánh bại một Thể Công vượt trội, hừng hực khí thế vừa trở về sau chuyến tập huấn dài hạn (6 tháng) tại Hungary và đang “độc cô cầu bại”, bằng lối đá phòng ngự “siêu việt”. “Đây là trận đấu của cả đời tôi”, ông Lộ tự hào.
Bóng đá Hải Phòng giai đoạn này nổi lên những tên tuổi như Trần Hùng; (Hùng “xồm”, XM HP); Việt “hói” (C HP); Đán; Giai; Kiểm (CA.HP); Kim; Hoàng Kính Dịp (C HP); Trần Duy Long (Trường HL, người mà theo ý kiến các nhà chuyên môn, cùng với Lê Thế Thọ tạo thành cặp tiền vệ hay nhất Việt Nam 50 năm qua)… và cả những người thầy.
Người thầy đáng nói nhất là cụ Nguyễn Lan. Cụ Lan năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, và vẫn rất trăn trở với bóng đá HP. Cụ Lan sinh trưởng trong một gia đình có 3 anh em đều chơi quyền Anh (môn thể thao rất được ưa chuộng thời Pháp thuộc) và cũng rất đam mê bóng đá. Sau khi Hải Phòng giải phóng, vào cuối những năm 50, với niềm đam mê môn thể thao vua cùng với sự thoái trào của môn quyền Anh, Cụ Lan chuyển sang làm HLV bóng đá. Cụ tự mình tuyển chọn các em nhỏ có năng khiếu bóng đá lứa tuổi 10-13 về đào tạo. Cụ Lan làm việc này không vì một động cơ nào mà vì niềm đam mê, vì trách nhiệm với cộng đồng (lúc này HP chưa có TT đào tạo trẻ). Các em nhỏ đến đây tập luyện sinh hoạt không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào, toàn bộ chi phí đào tạo đều do cụ Lan bỏ tiền túi. Theo ý kiến chung, cụ Lan là người nhiệt huyết, có óc quan sát tinh tế, cầu toàn và rất kỷ luật. Các học trò của cụ luôn phải đối diện với cá tính này và được hưởng lợi. “Cụ Lan là một người thầy mẫu mực, một nhân cách lớn. Đức hy sinh, sức lao động và sáng tạo của cụ ít ai bì kịp”, một học trò cũ (cựu cầu thủ Thể Công) tự hào. Cụ Lan đào tạo theo phương pháp cổ điển, không lý luận hay triết lý dài dòng mà lấy mình làm hình mẫu để học trò noi. Do có tố chất thể thao, cộng với kỹ năng chơi bóng thuần thục, Cụ Lan có thể thị phạm bất kể động tác nào dù khó đến đâu và đòi hỏi học trò thực hiện bằng được. Dưới sự rèn rũa về chuyên môn và kỷ luật sắt đá của cụ, các cầu thủ xuất thân từ đây nói chung đều có kỹ năng chơi bóng và nhân cách tốt. Không phải ngẫu nhiên, mỗi khi cần tuyển các cầu thủ trẻ, các đội bóng Hải Phòng và Thể Công đều tìm đến TT của Cụ. Đã có không ít cầu thủ sau này đã thành danh nhờ sự rèn rũa ban đầu của cụ. Trong những năm 60-70, phải kể đến những Trần Bình Sự, Đặng Ngọc Việt, Đặng Ngọc Nam, Lê Anh Dũng, Nguyễn Đạt Hùng, Nguyễn Đình Công, Nguyễn Văn Nhật, Phan Văn Mỵ … và gần đây là Đinh Thế Nam, Đặng Văn Dũng. Nhiều người cho rằng cụ Nguyễn Lan là một trong những người đặt nền móng cho bóng đá Hải Phòng, là người đi tiên phong trong công tác đào tạo bóng đá trẻ bài bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, xấu hổ thay cho những người làm bóng đá Hải Phòng, cho đến nay họ vẫn chưa có sự nhìn nhận đúng mức đối với những công lao của cụ.
Bóng đá HP có một quá khứ hào hùng như thế, nhưng nay sao lại bết bát đến thảm hại? “Một não trạng nông cạn, cục bộ, bảo thủ của một số người có trách nhiệm cùng với một hệ tư duy lọc lõi của các HLV và cầu thủ, bóng đá Hải Phòng tụt dốc là đúng” - Một vị cán bộ tâm huyết thổ lộ.

Sự suy tàn…

Lý giải cho sự suy sụp của bóng đá Hải Phòng, người ta có thể đưa ra 3 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, là chủ trương “nuôi gà chọi” đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Vào đầu thập kỷ 90, Hải Phòng vẫn còn 3 đại diện ở bóng đá đỉnh cao: CA.HP, Điện HP và Cảng HP, nhưng sau đó, người ta đã “làm thịt” hai đội Điện HP và Cảng HP để nuôi “gà chọi” CA.HP...

“Kiến trúc sư” cho quá trình này là ông Nguyễn Thành Kiểm, trưởng bộ môn bóng đá Sở TDTT Hải Phòng (nhiệm kỳ 1979-2000). Theo đó, người ta đã cho Cảng HP giải thể năm 1991, Điện HP năm 1993, lấy lý do khó khăn kinh tế và để tập trung các nguồn lực cho CA HP. Sau cuộc “cách mạng” này, bóng đá Hải Phòng thành công tức thì, khi mùa 93-94 CA.HP về nhì giải A1. Nhưng ngay mùa bóng sau, các “kiêu binh” đã cho đội bóng này xuống hạng. Sự kiện này như cốc nước lạnh hắt vào nhiệt huyết của các nhà lãnh đạo Sở. Mọi người đổ lỗi cho ông Kiểm, nhưng sai lầm ở đây là sai lầm của cả hệ thống. Việc giải thể hai đội bóng kia vô hình chung triệt tiêu sự cạnh tranh và môi trường cho các cầu thủ phát triển thông qua sự đa dạng của sân chơi. Nó đã tạo tiền đề cho “bệnh tật” và gian dối trong một môi trường đơn nhất. Một số cầu thủ có năng lực về đầu quân cho CA.HP, nhưng số đông đã phải giải nghệ. Phong trào bóng đá HP bắt đầu đi xuống từ đây.

Nguyên nhân thứ hai, Hải Phòng thiếu sự đào tạo có hệ thống và liên tục. Đối tượng của sự đào tạo này là các HLV và cầu thủ trẻ, nền tảng cho sự phát triển bền vững. Người ta tiếp tục đổ lỗi cho ông Kiểm, trong suốt 20 năm đương nhiệm, ông không đào tạo được một HLV thực sự nào. Điều này khó có thể tha thứ với một người nhiều kinh nghiệm như ông. Về đào tạo cầu thủ trẻ, người ta nói tới ông Phạm Văn Hùng (Giám đốc TT đào tạo trẻ hiện nay), người đã tham gia đào tạo bóng đá trẻ ngót nghét 20 năm. Ông và ông Trần Bình Sự là hai HLV được đào tạo bài bản nhất của bóng đá đất Cảng. “Ông Hùng đúng là có cơ bản, nhưng 20 năm nay có cho ra lò lứa trẻ nào ra hồn đâu!”, một cựu cầu thủ Cảng HP trách móc. Đó là ý kiến riêng, ý kiến chung cho rằng ông Hùng là người có cá tính, thẳng thắn và tâm huyết với nghề. Khổ một nỗi, chính vì cá tính đó, ông hay bị “người ta” ghét (!?). Muốn có một hệ thống đào tạo trẻ tốt cần phải có sự nhất quán về chủ trương và thông suốt về tư tưởng, đằng này… Và một điều cực kỳ quan trọng nữa, đó là tiền. Kinh phí cấp cho đào tạo trẻ rất hạn chế và nhỏ giọt. Thời bao cấp thì khỏi nói, hiện nay, thành phố cấp khoảng 600 triệu đồng/năm cho TT đào tạo trẻ. Với số tiền này, 500 VĐV hiện nay (10-16 tuổi, kể cả các tuyến cơ sở) của TT chỉ đủ… uống nước, chưa nói tới trang thiết bị tập luyện (!?). Hiện TT có cơ sở vật chất khoảng 10.500m2, tọa lạc trước cổng 4 Cảng HP (người ta thường gọi là Sân Cảng), bao gồm một sân tập… đất, một khu VP 70m2, một sân bóng rổ bê tông, chấm hết. Với một “cơ ngơi” như thế, ông Hùng có tài thánh cũng khó mà thành công.

Nguyên nhân thứ ba là sự thiếu vắng những HLV có tầm. Nói tới các HLV đất Cảng hiện nay, người ta thường nhắc tới hai ông Trần Bình Sự và Trần Văn Phúc. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ông Sự, CA.HP chỉ luôn đặt mục tiêu là trụ hạng thành công! Sau khi vị HLV này ra đi vì những bất đồng nội bộ, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm khác là Trần Văn Phúc được mời về làm HLV CLB Hải Phòng mùa bóng 2002-2003 (Hải Phòng chơi ở hạng Nhất), nhằm đưa HP trở lại V.League. Như có “phép màu”, dưới sự dẫn dắt của ông Phúc, HP làm một mạch về đích, giành suất thăng hạng và vô địch sớm 2 vòng đấu. Nhiều người coi ông Phúc như vị cứu tinh và tiếp tục tin tưởng để ông chèo lái con tàu Hải Phòng ở V.League 2004. Nhưng V.League không phải là giải hạng Nhất. Tất cả những điều đọng lại cho đến khi ông Phúc chia tay với đội ở vòng 14 là sự chuẩn bị không kỹ càng, ý chí thi đấu giảm sút và cả những bất đồng mất đoàn kết trong nội bộ. Về cá nhân ông Phúc, ông là người tâm huyết, sống trong sáng nhưng hơi yếu khả năng quản lý. Có lẽ, cách chuẩn bị của ông cho đội trước giải cũng chưa hợp lý. Thực chất của chuyến du đấu tại Giải Bình Dương Mở rộng trước thềm V.League là một chuyến du lịch? Theo ông thì cần phải “tôn trọng” những sở thích và lợi ích cá nhân của cầu thủ, trong ông không có từ “cấm trại” đối với cầu thủ trước và sau trận đấu. Điều đó lý giải tại sao các cầu thủ của đội hay vi phạm kỷ luật, tực cho mình quyền làm những điều mà một cầu thủ chuyên nghiệp không được phép làm: Đi chơi khuya, hút thuốc lá, uống bia rượu ngay cả khi đang tham dự giải...

Với một thực tế như vậy, nhiều người đang tự hỏi bằng cách nào Hải Phòng sống lại những thời khắc huy hoàng của quá khứ trong khi người ta chẳng mảy may có ý định tiếp nối chúng. Người hâm mộ đất Cảng lại mòn mỏi một hành trình khổ ải đan xen giữa hoài niệm và nỗi khát khao chẳng biết đến bao giờ dừng…
(Diễn đàn Báo Bóng Đá)
hpfc_number1
Newbie
Newbie
Bài viết: 8
Ngày tham gia: 01 Tháng 12 2009, 18:52

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by hpfc_number1 »

Copy ở đâu thì cho đường dẫn đi bạn :| :| :|
Hình đại diện của thành viên
vtkiem
Tech Support
Tech Support
Bài viết: 5058
Ngày tham gia: 22 Tháng 11 2009, 14:48

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by vtkiem »

Một bài viết hay nhưng đúng là thiếu đường link em ah, hoặc đơn giản là 2 chữ (st) ở cuối bài viết.
CutiCP
HP-FC member
HP-FC member
Bài viết: 86
Ngày tham gia: 07 Tháng 12 2009, 23:19

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by CutiCP »

Trước đây HP còn có đội QK3 cũng tham gia giải A1 nữa.
Hình đại diện của thành viên
HPFC ĐS
HP-FC member
HP-FC member
Bài viết: 59
Ngày tham gia: 28 Tháng 11 2009, 09:32
Đến từ: Bộ Xây Dựng

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by HPFC ĐS »

Tiếp ......(Tại Diễn đàn báo bóng đá )

Bóng đá Hải Phòng ra đời và phát triển cùng với sự hình thành, lớn mạnh của thành phố Cảng. Từ đầu thế kỷ XX Hải Phòng là thành phố lớn của Việt Nam và là một trong ba thành phố trực thuộc phủ toàn quyền Đông Dương do thực dân Pháp xây dựng. Là thành phố Cảng, người Hải Phòng luôn đón nhận những cái mới. So với quần vợt đến sớm thì bóng đá có mặt ở Hải Phòng chậm hơn, nhưng nó nhanh chóng chiếm lĩnh tâm hồn người đất Cảng.
Các đội bóng thi nhau ra đời, trong đội hình là người Việt, người Hoa, người Âu và Phi. Bóng đá đất Cảng vươn mình khỏi không gian hẹp khi mở đường xuyên Việt vào thi đấu phương nam đầu những năm 1930. Cuộc cạnh tranh bóng đá giữa người Việt, người Hoa với người Tây đã cho ra đời Hội túc cầu giáo Hải Phòng năm 1951-1952 và ra đời đội bóng Voi Vàng Miền Biển nổi tiếng cả Đông Dương. Voi Vàng Miền Biển không chỉ là niềm tự hào của người Hải Phòng, mà chính là bước khởi đầu một truyền thống tốt đẹp cho bóng đá Hải Phòng.
Năm 1955, Hải Phòng giải phóng. Nhiều công trình thể thao - văn hoá được xây dựng mới. Nhiều sân bóng đá thời Pháp thuộc được tu sửa như Máy Tơ, bãi Sông Lấp, Máy Đèn, sân nổi tiếng Bô-nan...tạo điều kiện cho phong trào bóng đá phát triển. 10 năm sau giải phóng, Hải Phòng có 495 đội bóng đá chân đất, chân giầy. Gọi chân đất, chân giầy là sự phân biệt đẳng cấp của các đội. Và trong thời điểm này, xuất hiện hàng loạt các đội bóng chân giày tên tuổi, hùng mạnh trên sân cỏ nước nhà mang mầu xanh áo thợ là Cảng Hải Phòng, Sông Cấm, Xi măng Hải Phòng, Công an Hải Phòng, Điện lực Hải Phòng... Trận đấu còn đọng mãi với người Hải Phòng là trận thắng đậm của đội Hải Phòng trước đội Trần Hưng Đạo (Hà Nội) 13-0 vào chiều 30-9-1956. Trong đội hình Hải Phòng ngày ấy là những tên tuổi lớn, có công đóng góp xây dựng bóng đá Hải Phòng sau này …
Phát huy truyền thống Voi Vàng Miền Biển, 5 đội bóng tiêu biểu của thành phố Hải Phòng là Cảng, Điện, Xi măng, Sông Cấm và Công an đã mang về thành phố nhiều chiến công và thành tích vang dội. Cầu thủ của các đội bóng này đưa bóng đá Hải Phòng sáng bừng như phượng vĩ với những tên tuổi được phong hàm quái kiệt và thiết lập lối chơi đặc trưng riêng Hải Phòng để trở thành trường phái "bóng đá cá sấu". Bóng đá Hải Phòng thập kỷ từ 1968 đến 1993 bóng đá Hải Phòng thăng hoa với hàng loạt đội bóng tên tuổi như Điện, Xi măng, Cảng, Công An mà đỉnh cao là có 7 đội trên tổng số 15 đội tham gia giải A1 toàn quốc. Đây là giai đoạn rực rỡ nhất của bóng đá Hải Phòng với 5 chức vô địch của đội bóng Công An Hải Phòng tiền thân của đội bóng đá Xi măng Hải Phòng ngày nay.
Trải qua bao năm tháng thăng trầm, bao khó khăn trong cuộc sống đời thường, các đội bóng lẫy lừng danh tiếng của Hải Phòng giải tán, bóng đá đỉnh cao Hải Phòng còn mỗi một đội Công an Hải Phòng, nên hễ "hắt hơi sổ mũi" là cả thành phố lo. Đội bóng chưa phát huy được truyền thống Voi Vàng Miền Biển, chưa xứng đáng với Huân chương lao động mà nhà nước trao tặng. Công an Hải Phải từng vô địch miền Bắc, từng đoạt cúp Quốc gia, từng dự cúp C2 châu Á. Nhưng đội cứ quen bài ca trụ hạng và 2 lần xuống hạng trong vòng 8 năm. Thấy không còn phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp, Công an thành phố quyết định chuyển giao đội bóng về Sở TDTT Hải Phòng năm 2002.
Trong sự quản lý của Sở TDTT, một đội bóng mới ra đời Thép Việt Úc - Hải Phòng. Nhưng đội bóng cũng không đạt được thành tích tốt vì cơ chế bó. Sau 14 loạt trận đấu tại giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia Kinh Đô năm 2004, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Trần Văn Phúc, đội Thép Việt úc Hải Phòng thua 10 trận, thắng 3 trận và hoà 1 trận mới có trong tay 10 điểm và tạm đứng thứ 9 của bảng tổng sắp. Trong trận đấu chiều 25/4 trên sân Hàng Đẫy gặp đội chủ nhà Thể Công để thất thủ với tỉ số 1 - 2, đây là trận thua thứ 6 liên tiếp.
Đến năm 2005, bóng đá Hải Phòng có nhà tài trợ mới, đồng nghĩa với một tên gọi mới Mitssustar Hải Phòng (hay Mitssustar Haier Hải Phòng). Mitsustar Haier Hải Phòng đã có những thành tích ấn tượng mùa giải 2005 và đã đăng quang Siêu cúp 2005 sau khi thắng GĐTLA 2-1. Đây có thể xem là một bất ngờ đầu tiên ở mùa bóng 2006 bởi trước trận đấu, GĐTLA được đặt ở cửa trên và đội bóng của HLV Calisto cũng từng đè bẹp Hải Phòng đến 5-0 trong trận chung kết Cúp QG 2005.
Tuy nhiên trong mùa giải bóng đá Vô địch Quốc gia Eurowindow - năm 2006, thì Mitsustar Haier Hải Phòng lại thi đấu không thành công và xếp thứ mười hai chung cuộc phải thi đấu play-off để trụ hạng. Nhưng đội đã không trụ hạng thành công và phải xuống thi đấu ở giải hạng nhất ở mùa bóng 2006-2007.
Năm 2007, thi đấu ở giải hạng nhất, các cầu thủ Mitssustar Haier Hải Phòng khoác trên mình cái tên mới là Vạn Hoa Hải Phòng. Dưới sự chỉ huy của HLV Alberto (Bzaxin) Hải Phòng đã có nhiều thay đổi,Vạn Hoa Hải Phòng đã có một mùa giải quá thành công. Kết thúc giải hạng nhất họ xếp thứ 2 và thăng hạng thành công, “trở lại đúng vị trí của mình” tại giải V-League 2008.
Và từ 16/10/2007 niềm hi vọng, tự hào của người đất Cảng, Vạn Hoa Hải Phòng chính thức đổi tên thành Xi măng Hải Phòng. Như vậy, Xi măng Hải Phòng sẽ thi đấu tại V_League 2008 với sự dẫn dắt của HLV Vương Tiến Dũng, và mục tiêu của CLB tại V_League 2008 là lọt vào top 6 đội mạnh nhất giải.
Những chặng đường phát triển của đội Công an Hải Phòng – tiền thân của đội bóng Xi măng Hải Phòng ngày nay
+ Năm 1968 và 1970: Đoạt chức vô địch hạng A miền Bắc
+ Năm 1992: Vào tứ kết giải Bóng đá hạng mạnh quốc gia và thi đấu trận chung kết với Đà Nẵng trên sân Chi Lăng đoạt Huy chương Bạc.
+ Năm 1993: Bị xuống hạng A1
+ Năm 1995: Lại lên thi đấu giải bóng đá hạng mạnh quốc gia. Đồng thời đoạt Cup và Huy chương vàng Đại hội TDTT Thành phố lần thứ III.
+ Năm 2001: Thi đấu ở giải Bóng đá Chuyên nghiệp quốc gia nhưng thi đấu không thành công và bị xuống hạng A1.
+ Năm 2002: Bị xuống hạng A1. Công an Thành phố chuyển Đội Bóng về Sở TDTT quản lý.
Hình đại diện của thành viên
Tung_Alonso
Super Moderator
Super Moderator
Bài viết: 5008
Ngày tham gia: 23 Tháng 11 2009, 21:51

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by Tung_Alonso »

Lịch sử đội bóng đất Cảng(tiếp)

Người Pháp tạo dựng nên Cảng, đưa Hải Phòng trở thành thành phố lớn của Việt Nam và là một trong ba thành phố trực thuộc phủ toàn quyền Đông Dương.

Người Pháp mang phượng vĩ đến trồng tại đất này, xen kẽ cùng những cột đèn đường, mà người Hải Phòng tự hào hơn cả Hà Nội, Sài Gòn vì đón văn minh sớm hơn có đèn đường rực sáng về đêm.

Hoa phượng Hải Phòng rực đỏ, khi nở hoa không còn mọc lá. Rồi theo chân các chàng thuỷ thủ đến đất Cảng là bóng đá, được người Hải Phòng đón nhận nhiệt thành. Và cũng như hoa phượng, bóng đá Hải Phòng mang tư duy hoa phượng đỏ "cháy hết mình" rồi... nhẹ nhàng rơi.

* Tên chính thức: Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng
* Tên gọi qua các thời kỳ:

Công an Hải Phòng (1995-2002)
Thép Việt Úc - Hải Phòng (2002-2005)
Mitsustar Haier Hải Phòng (2005-2006)
Vạn Hoa Hải Phòng (2007)
Xi măng Hải Phòng (2007-nay)
* Sân nhà: Lạch Tray (khoảng 30.000 khán giả); Địa chỉ: số 17 phố Lạch Tray, Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

* Thành tích:

Cúp Quốc gia (1)
Vô địch: 1995
Á quân: 2005
Siêu cúp Quốc gia (1)
Vô địch: 2005
Giải hạng nhất: (1)
Vô địch (1): 2003
Á quân (1): 2007
Giải hạng A miền Bắc: (2)
Vô địch: 1968, 1970

Là thành phố Cảng, người Hải Phòng luôn đón nhận những cái mới. So với quần vợt đến sớm thì bóng đá có mặt ở Hải Phòng chậm hơn, nhưng nó nhanh chóng chiếm lĩnh tâm hồn người đất Cảng. Các đội bóng thi nhau ra đời, trong đội hình là người Việt, người Hoa, người Âu và Phi.

Bóng đá đất Cảng vươn mình khỏi không gian hẹp khi mở đường xuyên Việt vào thi đấu phương Nam đầu những năm 1930. Cuộc cạnh tranh bóng đá giữa người Việt, người Hoa với người Tây đã cho ra đời Hội túc cầu giáo Hải Phòng năm 1951-1952 và ra đời đội bóng Voi Vàng Miền Biển nổi tiếng cả Đông Dương. Voi Vàng Miền Biển không chỉ là niềm tự hào của người Hải Phòng, mà chính là bước khởi đầu một truyền thống tốt đẹp cho bóng đá Hải Phòng sau này.

Hình ảnh

Năm 1955, Hải Phòng giải phóng. Nhiều công trình thể thao - văn hoá được xây dựng mới. Nhiều sân bóng đá thời Pháp thuộc được tu sửa như Máy Tơ, bãi Sông Lấp, Máy Đèn, sân nổi tiếng Bô-nan...tạo điều kiện cho phong trào bóng đá phát triển. 10 năm sau giải phóng, Hải Phòng có 495 đội bóng đá chân đất, chân giầy. Gọi chân đất, chân giầy là sự phân biệt đẳng cấp của các đội.
Trước các trận đấu bóng lớn, đội bóng chân đất bao giờ cũng phải đá trước để dọn sân cho đội bóng chân giầy. Và trong thời điểm này, xuất hiện hàng loạt các đội bóng chân giày tên tuổi, hùng mạnh trên sân cỏ nước nhà mang mầu xanh áo thợ là Cảng Hải Phòng, Sông Cấm, Xi măng Hải Phòng, Công an Hải Phòng, Điện lực Hải Phòng...

Trận đấu còn đọng mãi với người Hải Phòng là trận thắng đậm của đội Hải Phòng trước đội Trần Hưng Đạo (Hà Nội) 13-0 vào chiều 30-9-1956. Trong đội hình Hải Phòng ngày ấy là những tên tuổi lớn, có công đóng góp xây dựng bóng đá Hải Phòng sau này là Nhân, Mùi pố, Túc gù, Truy, Viễn...

Phát huy truyền thống Voi Vàng Miền Biển, 5 đội bóng tiêu biểu Cảng, Điện, Xi măng, Sông Cấm và Công an đã mang về thành phố nhiều chiến công và thành tích vang dội. Cầu thủ của các đội bóng này đưa bóng đá Hải Phòng sáng bừng như phượng vĩ với những tên tuổi được phong hàm quái kiệt và thiết lập lối chơi đặc trưng riêng Hải Phòng để trở thành trường phái "bóng đá cá sấu".

Nó như hoa phượng "cháy hết mình" để thiêu các đội bóng mạnh và cũng "nhẹ nhàng rơi" khi thua các đội bóng yếu. Và gần như miễn dịch mà không thuốc nào chữa được, cần phải thắng của bóng đá Hải Phòng là bóng đá Hà Nội, để mặc ngày mai thua tất cả các đội bóng địa phương khác. Chính vì thế, cuộc đối đầu của bóng đá Hải Phòng - Hà Nội bao giờ cũng căng thẳng và hứng khởi với người dân 2 thành phố này.

Hình ảnh
Niềm vui của các cầu thủ XM.HP

Một là bắt tay anh-em, hai là đá chối chết dù là trận giao hữu giữa bóng đá Hải Phòng và Hà Nội đã mang đến góc nhìn khác về bóng đá Hải Phòng, vùng đất với các cầu thủ chơi kỹ thuật để che lấp điểm yếu thể lực, vùng đất tạo lối chơi cứng rắn khiến các đội khác phải kiêng dè. Biệt danh "cá sấu" ăn sâu trong bóng đá Hoa phượng đỏ. Nó ngủ im suốt trận đấu, nhưng mở mắt thì các đội phải dè chừng.
Thế nhưng, một thời hoàng kim của bóng đá Hải Phòng đã qua đi. Hàng loạt các tên tuổi lớn như Cảng, Điện, Xi măng...giải thể vào đầu những năm 1990. Cuộc giải thể có nhiều nguyên do, nhưng cái lỗi lớn nhất là do định hướng sai của ngành thể thao lúc ấy trước sự tham mưu của một nhóm người làm bóng đá muốn thâu tóm quyền lực bóng đá trong tay mình. Nhóm ấy gồm 3 người được gọi là Xe-Pháo-Mã đã bất ngờ đánh nhau với lũ kiến lửa bóng đá Hải Phòng. Họ đã thắng, nhưng cái mất lại quá lớn.

Trải qua bao năm tháng thăng trầm, bao khó khăn trong cuộc sống đời thường, các đội bóng lẫy lừng danh tiếng của Hải Phòng giải tán, bóng đá đỉnh cao Hải Phòng còn mỗi một đội CAHP, nên hễ "hắt hơi sổ mũi" là cả thành phố lo. Đội bóng chưa phát huy được truyền thống Voi Vàng Miền Biển, chưa phát huy được chính truyền thống được Nhà nuớc tặng Huân chương Lao động.

CAHP từng vô địch miền Bắc, từng đoạt cúp Quốc gia, từng dự cúp C2 châu Á cứ quen bài ca trụ hạng và 2 lần xuống hạng trong vòng 8 năm. Thấy không còn phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp, Công an thành phố quyết định chuyển giao đội bóng về Sở TDTT Hải Phòng năm 2002. Trong sự quản lý của Sở TDTT và mang tên mới Thép Việt Úc - Hải Phòng, nó cũng chẳng ra hồn vì cơ chế "bó".

Thế nên, tháng 8/2004, thành phố quyết định chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp Vạn Hoa. Trong tay doanh nghiệp, Hải Phòng đang có bước chuyển mình, chủ động từ nguồn kinh phí cho đến nguồn nhân lực. Dưới cây gậy chỉ huy của HLV Alberto (Brazil), Hải Phòng đã và đang có nhiều thay đổi, nhưng lối chơi vẫn phải cậy nhờ vào các ngoại binh và trông chờ vào đội ngũ lão tướng, bởi các cầu thủ trẻ còn đang ẩn chứa những tiềm năng.

Về đơn vị mới quản lý, Hải Phòng đang khát khao tìm một chỗ trên bục danh dự của V-League, nhưng điều đó quả thực khó. Hy vọng đội sẽ phát huy tốt truyền thống Voi Vàng Miền Biển, cháy hết mình để tránh cảnh liêu xiêu như những mùa trước.

Năm 2008, Đội bóng được chuyển giao cho Xi Măng Hải Phòng và lấy tên là Xi Măng Hải Phòng và đang tham gia V-League 2008. Hy vọng mùa giải này Đội bóng của chúng ta sẽ gặt hái được những thành công.

Trong lịch sử bóng đá Hải Phòng, Xi Măng Hải Phòng từng là một cái tên chất chứa nhiều kỷ niệm, truyền thống. Bởi thời bóng đá Hải Phòng có 4 đại diện, Xi Măng Hải Phòng là một đại diện nổi bật bên cạnh Điện lực Hải Phòng, Công An Hải Phòng và Cảng Hải Phòng. Xi Măng Hải Phòng cũng từng cống hiến cho bóng đá Hải Phòng và bóng đá Việt Nam nhiều tài năng lớn như Hùng "xồm", Công "khèo"...
(Diễn đàn Báo bóng đá)
Hình đại diện của thành viên
Dinh_HPVN
Điều hành viên
Điều hành viên
Bài viết: 2338
Ngày tham gia: 23 Tháng 11 2009, 18:47

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by Dinh_HPVN »

[align=center]Một thời tung hoành sân cỏ: Ninh “đen” - lừng danh trai đất Cảng[/align]
[align=center]Hình ảnh
Ông Lê Quang Ninh - Ảnh: Khả Hòa[/align]

Bóng đá Hải Phòng không phải đến bây giờ mới nổi đình đám. Nhiều người hâm mộ đất Cảng đến bây giờ vẫn tự hào với 5 thương hiệu: Công an, Điện, Xi măng, Sông Cấm và Cảng Hải Phòng. Trong số những gương mặt đã đem lại sự vẻ vang cho bóng đá Hải Phòng, có tên Lê Quang Ninh.
Từ câu chuyện thầy kể...

“Tôi có may mắn là được học cả thầy Nguyễn Lan và cụ Túc “gù”, nên chắt lọc được những “miếng” riêng cho mình trên sân cỏ”, Ninh “đen” nói bằng giọng đầy tự hào. “Cụ Lan là người có danh vọng ở đất Hải Phòng, bởi cùng lúc chơi “thần sầu” cả môn quyền Anh và bóng đá. Trong khi đó, cụ Túc “gù” cũng chơi trung phong, lại có những “ngón” riêng. 14 tuổi tôi vào trường năng khiếu, hành trang chơi bóng vỏn vẹn là những trận bóng đá chân đất, ngay trên mặt đường Mê Linh (quận Lê Chân), gần nhà mình ở. Tôi có điểm mạnh là khỏe, lì lợm và chơi quyết liệt, sẵn sàng ăn miếng trả miếng với đối thủ nếu bị chơi xấu, nhưng đá hoàn toàn bằng bản năng. Phải mất rất nhiều thời gian về sau, tôi mới hiểu được ý nghĩa của những buổi cụ Lan và thầy Nhân tỉ mỉ uốn nắn cho tôi từng động tác đỡ bóng bằng chân, hãm bóng bằng ngực, động tác bật nhảy tại chỗ, đánh đầu có đà...”.

Rời trường năng khiếu năm 1974, Ninh cùng các bạn tràn trề khí thế, cùng rủ nhau về Cảng Hải Phòng (CHP) chỉ vì mê câu chuyện thầy kể về trận cầu giữa tuyển Hải Phòng với đội bóng đá gồm toàn thủy thủ trên chiến hạm Dumont D’Urville - con tàu hải quân Pháp đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Nhà nước ta từ Pháp về Việt Nam. Trận đấu trên sân Phố Ga ngày đó kết thúc với tỷ số hòa 1-1, trở thành một phần lịch sử không thể quên của thành phố Cảng. Và cũng bởi vậy, dù có nhiều phiên hiệu bóng đá mạnh cùng thời đó, nhưng Ninh “đen” và các bạn chỉ cảm thấy “sướng” nhất nếu được đá cho Cảng.


Về CHP, Ninh được HLV Nguyễn Văn Tư và thầy Túc “gù” đặc biệt “săn sóc”, được đào tạo “ngón” bật nhảy rất cao trước khung thành để đánh đầu đưa bóng vào lưới. Với cách chơi đó, không mấy chốc Ninh đã giành được một suất chính thức trên hàng công.

[align=center]... đến những trận cầu để đời[/align]

Năm 1983, Lê Quang Ninh được bầu chọn là một trong 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc, nhờ thành tích giúp CHP đứng thứ 3 giải A1 toàn quốc. CHP, với đội hình không được đánh giá cao, đã bất ngờ giành chiến thắng 2-1 trước Cảng Sài Gòn (CSG) trong trận đấu tranh ngôi 3-4.

“Trận đó, thực tế là tôi ghi được 4 bàn thắng, nhưng chỉ được công nhận có 2 bàn thôi. Hai bàn kia trọng tài Nguyễn Văn Mùi (Đà Nẵng) nhất quyết không cho “ăn” vì bắt tôi lỗi việt vị. Sau này, gặp lại anh Mùi, tôi vẫn cứ khiếu nại về hai bàn thắng đó. Hồi đó, hai đội đá trên sân Thống Nhất, khán giả tới sân đông nghẹt. Áp lực từ khán giả rất căng thẳng. Vào trận, CSG ép CHP suốt. Nhưng họ “khớp” tâm lý nên các cơ hội lần lượt trôi qua. Trong khi đó, chúng tôi thoải mái hơn, đặc biệt là sau khi tôi đánh đầu theo đúng chiêu của cụ Túc “gù” chỉ dạy để ghi bàn thắng, thế trận thuận lợi mở ra cho CHP. Và sau đó, tôi thực hiện pha ghi bàn thứ hai từ một cú sút ngay trên vạch 16m50”.

Năm 1976, Ninh “đen” lần đầu tiên được gọi lên đội tuyển quốc gia. 19 tuổi, chàng trai đất Cảng lên tuyển, đứng bên cạnh những Cao Cường (Thể Công), Hòa “B” (CAHN), Thành “chim” (Quân khu Việt Bắc) chỉ cảm thấy bỡ ngỡ, chứ không chút e sợ. Có lẽ, cũng vì khí chất ngang tàng của người Hải Phòng “quen thời tiết ở biển”, Lê Quang Ninh cứ lẳng lặng tập và thi đấu, không chút mặc cảm về tuổi nghề và danh tiếng trên sân cỏ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong sự nghiệp thi đấu ở ĐTQG là trận giao hữu thắng Olympic Ba Lan 2-1 trên sân Hòn Gai (Quảng Ninh).

“Khi đó, đội tuyển đang hòa với bạn 1-1. Sau bàn thắng của mình do anh Võ Bá Tòng ghi, tôi nhận được bóng từ giữa sân, thấy trước mặt có 2 cầu thủ Ba Lan lừng lững chắn trước mắt, xung quanh chẳng thấy ai ở gần để chuyền bóng. HLV Lê Thế Thọ đứng bên ngoài sân gào: Chuyền đi, chuyền đi. Khổ nỗi, có ai đâu! Thế là tôi lắc người, làm động tác giả định chuyền nhưng lại đột phá tiếp qua trung vệ của họ rồi sút căng vào góc chết. Đến lúc ra ngoài sân, ông Thọ vẫn còn chưa hết bực, nhưng tôi cười rồi nói: Cháu “lắc” giống chú thế còn gì nữa! Vậy là ông hết cáu”.
[align=center]Hình ảnh
Ông Lê Quang Ninh (bìa trái) cùng với Ban huấn luyện đội Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina - Ảnh: Khả Hòa[/align]

[align=center]Chuyện về cú “phốt”[/align]

“Đến bây giờ tôi vẫn còn bức xúc với báo chí. Và có lẽ vì thế, tôi rất ngại tiếp xúc với PV”, Ninh “đen”, giờ đây trở thành trợ lý HLV ở Hòa Phát, nhớ lại cú “phốt” năm 2005 ở CLB Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina (NHĐA). “Lúc đó, cơ quan điều tra mời tôi lên làm việc về những vấn đề liên quan tới Ban huấn luyện NHĐA, vậy mà, các báo đã lập tức đưa tin tôi “dính” hối lộ, dàn xếp tỷ số, bán độ..., đủ thứ tội danh gán vào đầu. Nhà tôi khi đó nặng nề như có tang. May mà vợ tôi vốn rất tin tưởng và thương yêu tôi, nên luôn động viên tôi những lúc căng thẳng đầu óc. Tôi cứ ngẫm, mình là đàn ông, lúc còn đá bóng, quanh năm suốt tháng chẳng chăm lo được gì cho gia đình, vợ con; đến lúc từ giã sân cỏ (1988), vẫn gắn với trái bóng, rồi chuyển vào TP.HCM (1993), cả nhà đã một lần xáo động, bây giờ lại thế này. Mà tôi khi đó là trung tá (trợ lý HLV ở CA TP.HCM), đảng viên, chưa bao giờ có điều tiếng gì về kỷ luật. Bố vợ tôi là cựu danh thủ Tòng “cháy”, dù đã lớn tuổi nhưng cứ phải đi ra đi vào suốt để động viên vợ chồng tôi”.

Tai qua nạn khỏi. Tưởng như Ninh “đen” dứt hẳn nghiệp bóng đá, chuyển qua làm kinh doanh. Nhưng rồi, niềm đam mê với trái bóng vẫn đeo đẳng. Ninh lại khăn gói lên đường: ra Quảng Ngãi “sát cánh” cùng Hà Vương Ngầu Nại, rồi lại hỗ trợ Nguyễn Kim Hằng “lèo lái” đội bóng những lúc khó khăn. Để rồi, khi ông anh Nguyễn Thành Vinh cũng dứt bỏ được những nặng nề, trở lại với nghiệp huấn luyện, theo tiếng gọi của chiến hữu, Ninh “đen” trở ra miền Bắc cho tới nay. Hỏi chuyện về cú “phốt”, anh chỉ cười và nói “vẫn nặng đầu” nhưng “ngần đó chưa đủ để hạ gục trai đất Cảng”.

=... Lê Quang Ninh sinh ngày 31.10.1957, hạng ba giải A1 toàn quốc năm 1983 cùng Cảng Hải Phòng, thi đấu cho ĐTQG từ 1976-1983, được bầu chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 1983, từng làm HLV cho đội CA TP.HCM, NHĐA-Thép Pomina, trợ lý HLV Thành Nghĩa Quảng Ngãi, hiện là trợ lý HLV Hòa Phát ...=

[web 100%,200]http://diendan.baobongda.com.vn/showthread.php?t=2158[/web]
Hình đại diện của thành viên
tuananh
Newbie
Newbie
Bài viết: 41
Ngày tham gia: 20 Tháng 12 2009, 11:28
Đến từ: Tổng bộ Thủy Nguyên

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by tuananh »

Hùng "xồm", cầu thủ xuất sắc nhất Hải Phòng mọi thời đại
Ông Trần Hùng (Hùng xồm) là trung phong xuất sắc những năm 1964-1975. Ông sinh năm 1942 trong một gia đình bóng đá của Hải Phòng. Thân sinh của ông là cụ Trần Đức Chi (SN 1918) - danh thủ của đội Cotonkin (Nam Định) nổi tiếng đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước (từng Vô địch giải tứ xứ của Đông Dương thời thuộc Pháp).

Năm 1945, cụ tham gia cướp chính quyền ở Kiến An rồi đi theo kháng chiến. Hoà bình lập lại, là cán bộ Đảng viên đã cao tuổi cụ vẫn đá cho CAHP, tuyển Hải Phòng những năm 1955-1958, đồng thời đem hết tình cảm và kinh nghiệm dạy 3 cậu con đá bóng, trong đó cụ đặt nhiều hy vọng nhất vào cậu cả Trần Hùng.

Được bố và thầy Nguyễn Lan (bạn thân và là đồng nghiệp của cụ Trần Đức Chi) hết lòng dạy dỗ, với sự say mê và thừa hưởng “gen” năng khiếu bẩm sinh, ông Trần Hùng đá hay từ tuổi thiếu niên, rồi xuất sắc ở Thanh niên Hà Nội, Xi Măng Hải Phòng, đặc biệt nổi bật trong những lần tham gia ĐTQG.

Hồi ấy, khán giả rất mê Trần Hùng, vì đã ra sân là ông thi đấu hết mình, lúc nào cũng đau đáu muốn làm được điều gì đó tốt hơn trận trước. Tập trung trí lực theo dõi trận đấu, chịu khó di chuyển, tách khỏi đối thủ, tìm bóng và khi có thì bằng lối luồn lách qua người khôn khéo, với tốc độ xuất phát cực nhanh, ông lao lên phía trước như một mũi tên rồi bất ngờ tung cú sút gọn gàng và ghi bàn sắc lẹm!

Nhiều khán giả đã dùng hình tượng “con báo đen” để đặc tả cách xông xáo mãnh liệt mà lại nhẹ nhàng, hiệu quả trong đám đông trước cầu môn đối phương của ông.

Các hậu vệ trong nước coi trọng, ngán kèm Hùng “xồm” đã đành, hậu vệ nước ngoài dù to lớn, nhanh và có kỹ thuật kèm phá giỏi hơn vẫn khó cản được cây trung phong được coi là mũi giáo sắc nhọn này. Những trận trong nước, Hùng “xồm” hiếm khi không có bàn thắng. Giải năm 1974, ông là Vua phá lưới với 14 bàn.

Đi Liên Xô, Trung Quốc năm 1966, 1967, trận nào ông cũng ghi được 1 bàn, riêng trận giao hữu với Thượng Hải, ông ghi một mạch 5 bàn. Chuyến đi Đức năm 1974, ông là người ghi nhiều bàn nhất của đội (5 bàn), còn khi đội Sac-chi-o (Liên Xô) sang VN, sau 4 trận đấu, người duy nhất đưa được bóng vào lưới đội bạn 1 lần là Trần Hùng.

Năm 2002, báo Công an Hải Phòng trưng cầu ý kiến 80 nhà chuyên môn của thành phố về cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất ở nửa cuối thế kỷ 20, ông Trần Hùng đã có số phiếu cao nhất.

Người em ruột Trần Vỹ, một thời thi đấu trong đội hình của CAHP và tuyển Hải Phòng, tuy tầm vóc thấp nhỏ hơn và không xuất sắc như ông anh, nhưng cũng đã để lại những ấn tượng đẹp đối với khán giả. Rất tiếc, ông Trần Vỹ lại đoản mệnh, mất sớm.

Người em thứ 3 là Trần Hùng Dũng cũng theo nghiệp bóng đá, đã từng nhập môn ở đội trẻ của CAHP một thời, nhưng cuộc sống đã đưa đẩy ông sang lĩnh vực khác. Tuy vậy, bầu máu bóng đá trong người và huyết thống gia đình thôi thúc, nên ông vẫn không xa rời được quả bóng và sân cỏ.

Ông là Chủ tịch CLB cầu thủ Hải Phòng, bằng những hoạt động tích cực của mình, ông vẫn coi như bản thân đang phát huy được truyền thống đẹp của một gia đình bóng đá đất Cảng.

Ngô Xuân Quýnh

Việt Báo (Theo_VTC)
Hình đại diện của thành viên
online
HP-FC member
HP-FC member
Bài viết: 74
Ngày tham gia: 27 Tháng 1 2010, 16:54

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by online »

Hay, hay quá, đọc thầy tự hào bóng đá Hải Phòng quá, thế mà............càng đọc lại càng thấy xót xa cho bóng đá trẻ HP. Các cụ bảo reo hạt đợi đến ngày hái quá, đằng này có reo hạt nhưng reo vào đất cẵn cỗi, không chăm bón thì làm sao hạt nảy mầm, thành hoa thành trái ngọt được. Không biết lãnh đạo ngành TDTT HP nghỉ gì nhỉ?? Bao năm nay có thấy bóng dáng cầu thủ được đào tạo từ lò HP nào lên tuyển đâu???
Lại Quang Tuấn
Newbie
Newbie
Bài viết: 3
Ngày tham gia: 25 Tháng 4 2011, 12:30
Đến từ: Hà Nội

Re: Lịch sử bóng đá Hải Phòng

Gửi bài by Lại Quang Tuấn »

Thật là hào hùg.Hải Phòng vô địch
Đăng trả lời

Quay về